Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành nghề kinh tế ở Việt Nam
Virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp bắt nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc, sau đó lây lan đến nhiều nước trên thế giới, số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng hiện nay. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng mà kéo theo các ngành kinh tế cũng chịu tác động vô cùng lớn. Tại Việt Nam, đối tác Trung Quốc chiếm ưu thế lớn trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam, trong đó các ngành nghề liên quan đến du lịch, vận chuyển, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Ngành Ngân hàng được đánh giá không chịu tác động nhiều, nhưng với sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các ngành nghề khác.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2020 (từ ngày 1/1 đến ngày 15/1/2020) đạt 22,17 tỷ USD, giảm 9,3% tương đương giảm 2,28 tỷ USD so với 15 ngày cuối tháng 12/2019. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nửa đầu tháng 1/2020 đạt kim ngạch 13,06 tỷ USD, giảm 5,7% tương ứng giảm 784 triệu USD so với nửa cuối tháng 12/2019.
Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất, nhập khẩu 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019
Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 1 cho thấy tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2020 đạt 10,88 tỷ USD, giảm 13% so với nửa cuối tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 6,92 tỷ USD, giảm 10,8%, tương ứng giảm 836 triệu USD so với kỳ 2 tháng 12/2019. Trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2020 đạt 11,29 tỷ USD, giảm 5,4% (tương ứng giảm 650 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 12/2019. Trong đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 6,14 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8%, tương ứng tăng 51 triệu USD.
Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn lao động và chuyên gia là người Trung Quốc. Việc hạn chế xuất nhập cảnh giữa 2 nước ở ngay thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã, đang và sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động của các nhà máy. Như vậy, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn tới guồng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, gián tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Cùng với việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI. Không những vậy, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động nhập nguyên vật liệu trước Tết Nguyên đán, nhưng với tình trạng hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc như hiện nay, sẽ có tình trạng các doanh nghiệp trong nước và FDI ở một số ngành như May mặc, Điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập từ thị trường Trung Quốc.
Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019
Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 2 cho thấy kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 1/2020 giảm so với 15 ngày cuối tháng 12 chủ yếu do giảm ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 373 triệu USD, giảm 19,5%; hàng dệt may giảm 269 triệu USD, tương ứng giảm 15,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 130 triệu USD, tương ứng giảm 13,4%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 83 triệu USD, tương ứng giảm 13,1%; hàng thủy sản giảm 69 triệu USD, tương ứng giảm 17,5%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh tới sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Những sản phẩm nông sản đóng góp một phần quan trọng, đáng kể trong tăng trưởng giá trị gia tăng ở khu vực nông lâm thủy sản. Do đó, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng thì tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm của khu vực này hẳn sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới đều dừng lại, đồng nghĩa với việc mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất do không bảo quản được lâu.
Biểu đồ 3: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019
Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 3 cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 01/2020 giảm so với nửa cuối tháng 12/2019 chủ yếu do giảm ở một số nhóm hàng: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 119 triệu USD, tương ứng giảm 6%; vải các loại giảm 48 triệu USD, tương ứng giảm 7,9%; chất dẻo nguyên liệu giảm 32 triệu USD, tương ứng giảm 7,9%… Bên cạnh đó, có linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 22 triệu USD, tương ứng tăng 13,4%.
Bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-2019, ngành Du lịch chịu tác động mạnh nhất. Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam thường tăng cao trong mùa lễ hội đầu năm nhưng trước tình hình dịch cúm đang diễn biến như hiện nay, lượng khách Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào những tháng đầu năm 2020. Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì du khách Trung Quốc hơn 5,8 triệu, chiếm 32%. Trong đó, Nha Trang – Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tỷ trọng khách Trung Quốc lớn nhất, chiếm 70% tổng số khách quốc tế năm 2019. Và không chỉ lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam giảm mà với tâm lý e ngại khi tới du lịch tại các vùng có dịch cúm, lượng khách ở các quốc gia khác tới Việt Nam cũng giảm.